A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Việt Nam kiên quvết phòng, chống di cư trái phép và mua bán người

Sáng 23/7, tại Đà Nẵng đã diễn ra Hội nghị quan chức cao cấp lần thứ 14 Nhóm công tác của Tiến trình Bali về phòng, chống đưa người di cư trái phép, mua bán người và tội phạm xuyên quốc gia (AHG SOM 14).

 

Các đại biểu chủ trì Hội nghị AHG SOM 14. Ảnh: VGP/Thế Phong

Lãnh đạo Bộ Ngoại giao Việt Nam, cùng với hai đồng Chủ tịch Tiến trình Bali là Australia và Indonesia chủ trì hội nghị.

Đây là lần đầu Việt Nam đăng cai tổ chức hội nghị quan chức cao cấp Nhóm công tác kể từ khi tham gia Tiến trình Bali vào tháng 2/2002. Việc đăng cai tổ chức hội nghị là dịp để Việt Nam khẳng định nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong công tác phòng, chống mua bán người và là thành viên tích cực của Tiến trình Bali.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng khẳng định: Đây là sự kiện có ý nghĩa đối với Việt Nam trong hơn 17 năm là thành viên tích cực và có trách nhiệm của Tiến trình Bali, đồng thời đánh dấu bước phát triển mới của Tiến trình Bali trong tăng cường sự tham gia và vai trò cùa các nước thành viên đối với các hoạt động của Tiến trình. 

Theo ông Tô Anh Dũng, di cư là hiện tượng tất yếu gắn liền với quá trình phát triển. Cùng với tác động tích cực, di cư cũng đặt ra không ít thách thức cho các bên liên quan.

Một trong những mặt trái của di cư là tình trạng di cư trái phép và mua bán người ngày càng gia tăng trong khu vực và trên thế giới. Đây là vấn đề toàn cầu mà không một quốc gia nào có thể đứng ngoài và tự mình giải quyết. Do vậy, tăng cường hơn nữa hợp tác đa phương trong lĩnh vực này là điều cần thiết, không chỉ để quản lý hiệu quả các dòng di cư, mà còn giải quyết nguyên nhân gốc rễ của di cư.

Việt Nam chủ trương thúc đẩy di cư hợp pháp, kiên quvết đấu tranh phòng, chống di cư trái phép và mua bán người. Trong quản lý di cư, Việt Nam lấy phòng ngừa làm yếu tố nền tảng và và coi thúc đẩy di cư hợp pháp là biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn di cư trái phép. Và trong quá trình này, hợp tác quốc tế thông qua việc tham gia tích cực vào các tiến trình khu vực và thế giới là một phần tất yếu đế tạo nên sức mạnh toàn diện nhằm đẩy lùi nạn di cư trái phép và mua bán người. 

Tiến trình Bali được thừa nhận là hình mẫu hợp tác khu vực thành công về phòng, chống đưa người di cư trái phép và mua bán người dựa trên các biện pháp xây dựng lòng tin và hiểu biết lẫn nhau vì mục tiêu góp phần ổn định tình hình khu vực. Việt Nam coi trọng Tiến trình Bali và luôn đóng góp tích cực đối với mọi hoạt động của Tiến trình kể từ khi tham gia và trở thành thành viên Nhóm công tác Tiến trình tại Hội nghị quan chức cao cấp lần thứ 5/2011.

Chính phủ Việt Nam ghi nhận hiệu quả của Tiến trình trong việc nâng cao năng lực thực thi pháp luật, chia sẻ thông tin và tăng cường các hành động tập thể trong cuộc đấu tranh chung với vấn nạn này. 

Tháng 12/2018, Đại hội đồng LHQ khóa 73 đã thông qua Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (Thỏa thuận GCM) với đa số quốc gia thành viên tán thành. Đây là thỏa thuận toàn cầu đầu tiên về quản lý di cư, trong đó khẳng định hợp tác quốc tế trong thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn và trật tự là xu thế tất yếu nhằm quản trị di cư toàn cầu hiệu quả vì sự phát triển bền vững. 

“Trên cơ sở đó, Việt Nam hy vọng rằng tại AHG SOM 14, chúng ta sẽ cùng nhau trao đổi và định hướng ưu tiên cho hoạt động sắp tới của Tiến trình Bali phù hợp với xu thế quản lý di cư trên thế giới. Bên cạnh phòng, chống di cư trái phép và mua bán người, Tiến trình Bali nên cân nhắc đưa các biện pháp thúc đẩy di cư an toàn, hợp pháp vào chiến lược hợp tác chống di cư trái phép và mua bán người trong thời gian tới. Chính phủ Việt Nam mong muốn Tiến trình tiếp tục phát huy vai trò là khuôn khổ hợp tác đa phương hiệu quả dựa trên các biện pháp xây dựng lòng tin hữu hiệu, góp phần vì nền hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho khu vực”, ông Tô Anh Dũng phát biểu.

Tiến trình Bali về phòng, chống đưa người di cư trái phép, mua bán người và tội phạm xuyên quốc gia do Chính phủ Australia và Indonesia đồng khởi xướng tại Hội nghị Bộ trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương về phòng, chống đưa người di cư trái phép, mua bán người và tội phạm xuyên quốc gia, tổ chức tại Bali (Indonesia) tháng 2/2002. 

Tiến trình Bali gồm 49 thành viên, bao gồm cả Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR), Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), Văn phòng LHQ về ma túy và tội phạm (UNODC), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), có 27 quan sát viên.

 


Nguồn: Theo Baochinhphu.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 2
Hôm nay : 103
Hôm qua : 106
Tháng 05 : 430
Năm 2020 : 5.067