• :
  • :
mic
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Văn hóa biển Thái Bình

Những ai đã từng đến những làng ven biển lần đầu, hẳn sẽ ngạc nhiên nhìn thấy những con đường nhỏ chằng chịt trong khu dân cư. Hỏi thăm một người qua đường, chắc chắn sẽ nhận được câu trả lời có khi cộc lốc. Đó là nét văn hóa đặc trưng của người miền biển. Bởi ngoài khơi xa, giữa tiếng sóng gió ồn ào, những ngư dân - người đầu thuyền, kẻ cuối thuyền, đã quen nói to để thông tin với nhau. Vậy nên họ mới có biệt danh là người “ăn đầu sóng, nói đầu gió”. Có điều, họ cục mịch mà chân thành, thô cộc mà nhân ái bao dung.

Ở nước ta, văn hóa biển là một khái niệm khá mới mẻ. Theo PGS Ngô Đức Thịnh, xét từ góc nhìn nhân học văn hóa, văn hóa biển được hiểu như là “hệ thống các tri thức của con người về môi trường biển, các giá trị và biểu trưng rút ra từ những hoạt động sống trong môi trường ấy. Cùng với nó là những cảm thụ, hành vi ứng xử, những nghi lễ, tập tục, thói quen của con người tương thích với môi trường biển”. Như vậy, văn hóa biển do nhiều nhân tố cấu thành như: Cộng đồng dân cư và các hình thức tổ chức xã hội; hệ thống tôn giáo, tín ngưỡng, nghi lễ và phong tục tập quán… Biển Việt Nam trải dài trên 2.000 km theo chiều Bắc – Nam, nên văn hóa biển cũng chịu chi phối bởi các yếu tố vùng, miền khác nhau, từ đó tạo nên các sắc thái đặc thù cho mỗi vùng miền.

Thái Bình nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa với 1 mặt giáp biển và 3 mặt giáp sông, có 54 km bờ biển và vùng biển rộng hàng ngàn km2, có vị trí chiến lược quan trọng cả về kinh tế - văn hoá - xã hội, quốc phòng - an ninh; là nơi tập trung nhiều đầu mối giao thông thuỷ, bộ quan trọng; có 5 cửa sông thuận lợi cho tàu thuyền ra vào đánh bắt hải sản, vận tải, trao đổi hàng hoá trong và ngoài nước. Những điều kiện đó đã tạo nên sắc thái văn hóa vùng biển Thái Bình mang tính hỗn dung và có tính chất mở.

Về cộng đồng dân cư

Khu vực biên giới biển Thái Bình có 14 xã, thị trấn thuộc hai huyện Thái Thụy và Tiền Hải với diện tích đất tự nhiên trên 10 nghìn héc ta, có 25.243 hộ với 92.461 khẩu; trong đó có 11.471 tín đồ tôn giáo (Tín đồ Phật giáo và Công giáo), có 3 nhà thờ xứ, 19 nhà thờ họ, 70 đền, chùa… Dân cư ở đây có tính phức hợp, có gốc gác từ nhiều nơi ngụ về (điển hình như xã Thái Đô huyện Thái Thụy). Môi trường văn hóa biển và những hoạt động kinh tế biển đã ảnh hưởng và tạo ra nhiều “nét biển” trong đời sống của người dân nơi đây. Họ thường làm nhà thấp và sát lại gần nhau để chống gió biển, như ở các xã Thụy Xuân, Thụy Hải huyện Thái Thụy. Bên cạnh đó, cuộc sống gắn liền với biển không chỉ mang lại vóc dáng khỏe mạnh mà còn hình thành nên tính cách người vùng biển bộc trực, thẳng thắn, phóng khoáng, nóng nẩy, dễ giận nhưng cũng rất chóng quên.

Những ai đã từng đến những làng ven biển lần đầu, hẳn sẽ ngạc nhiên nhìn thấy những con đường nhỏ chằng chịt trong khu dân cư. Hỏi thăm một người qua đường, chắc chắn sẽ nhận được câu trả lời có khi cộc lốc. Đó là nét văn hóa đặc trưng của người miền biển. Bởi ngoài khơi xa, giữa tiếng sóng gió ồn ào, những ngư dân - người đầu thuyền, kẻ cuối thuyền, đã quen nói to để thông tin với nhau. Vậy nên họ mới có biệt danh là người “ăn đầu sóng, nói đầu gió”. Có điều, họ cục mịch mà chân thành, thô cộc mà nhân ái bao dung. Dù đi khơi hay về lộng, nghề đánh bắt cá luôn đòi hỏi sức mạnh của tập thể. Tính chất nghề nghiệp ấy đã tạo nên nét đẹp trong đời sống văn hóa - là sự chân tình, gắn kết, tương thân tương ái với nhau. 

Hệ thống tôn giáo, tín ngưỡng, nghi lễ và phong tục chiếm vị trí rất quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân vùng biển. Do điều kiện sống, lao động của họ trong môi trường biển cả vừa ưu ái con người, vừa thách thức, đe dọa đến tính mạng. Do vậy, tôn giáo, tín ngưỡng đã trở thành niềm tin, niềm khát vọng của họ trước biển cả bao la, hùng vĩ. Cùng với đó là sự đa nguồn gốc của thành phần dân cư đã hình thành nền một bức tranh văn hóa đa sắc màu. Có thể thấy ngay trong một xã cùng xuất hiện cả Phật giáo, Công giáo và nhiều hình thức tín ngưỡng dân gian khác. Toàn tuyến khu vực vùng biển Thái Bình có 69 di tích, trong đó có 22/69 di tích hàng năm tổ chức lễ hội. Một số lễ hội đã trở thành hội vùng, tiểu vùng như lễ hội Đền Chòi (xãThụy Trường), lễ hội Miếu Ba Thôn (xã Thụy Hải), hội Đền Cửa Lân (xã Đông Minh), lễ hội Cầu ngư (Múa ông Đùng, bà Đà) ở xã Quang Lang, xã Thụy Hải, hội bơi chải ở Diêm Điền, Vật cầu ở Bạch Đằng xã Thái Thượng... Việc tổ chức lễ hội hàng năm đều tuân thủ theo đúng Quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.  

Dưới góc nhìn văn hoá dân gian, các lễ hội vùng biển ẩn chứa nhiều lớp tín ngưỡng đặc sắc. Tiêu biểu như lễ hội ông Đùng, bà Đà ấp ủ một triết lý phồn thực, mang đậm chất folklore, đặc biệt là trong các động tác của điệu múa ông Đùng, bà Đà. Đó là một mô típ quen thuộc trong các lễ hội dân gian của người Việt, giống như hội Trám (Phú Thọ), hội múa mo Sơn Đồng (Hà Tây), hội cướp kén làng Dị Nậu (Phú Thọ)… Ở những lễ hội đó là nơi gửi gắm ước vọng của những người dân làng biển về sự sản sinh, sinh sôi, dồi dào. Nơi đó có sự giao hoà của con người cùng sông nước đất trời làm lòng người thêm tươi trẻ, cây cối thêm xanh tươi, thóc lúa thêm nhiều, báo hiệu một mùa muối, mùa đi biển dồi dào, bội thu.

Ẩm thực vùng biển

Không quá cầu kỳ trong chế biến, món ngon miền biển Thái Bình dân dã, đậm đà hương vị tự nhiên. Khắp dọc bờ biển Việt Nam, nộm sứa, gỏi nhệch là 2 món ăn có ở nhiều nơi, tuy nhiên ở mỗi nơi có hương vị, đặc trưng riêng. Còn với người dân Thái Thụy, họ vẫn truyền tai nhau câu nói: “Nếu về Thái Thụy mà chưa thưởng thức nộm sứa, gỏi nhệch thì coi như chưa từng về” và nó như một lời mời chào hấp dẫn, khó du khách nào nỡ lòng từ chối. Bên cạnh đó, còn có nhiều món ngon và hấp dẫn được chế biến từ các sản vật tươi ngon của biển như: Cá mòi rán lá chuối, nộm rau câu, gỏi día… mang đậm đà hương vị biển hay nước mắm Diêm Điền - thương hiệu nổi tiếng khắp các miền quê…

Hàng trăm năm qua, những làng quê vùng biển đã lặng lẽ sản sinh và lưu tồn những mã văn hóa đặc trưng, góp phần tạo nên những nét văn hóa biển rất đặc trưng, làm phong phú dòng chảy văn hóa của dân tộc. Những giá trị văn hóa đặc sắc ấy rất cần được giữ gìn và phát huy hơn nữa, để những vùng quê biển không chỉ là không gian sinh tồn mà còn là “hành lang văn hóa” cho mỗi địa phương, mỗi quốc gia./.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ hành chính

Diện tích: 1.586,3 Km2

Dân số: 1.791.510 người

 
 
Thời tiết các vùng
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.034
Hôm qua : 22.034
Bài viết được quan tâm