A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Văn nghệ muốn tự do thì phải tham gia cách mạng

Dân tộc bị áp bức, thì văn nghệ cũng mất tự do. Văn nghệ muốn tự do thì phải tham gia cách mạng. Tôi thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ thân ái chào mừng Đại hội và khen ngợi các đồng chí đã có những cố gắng và những thành tích trong mấy năm qua.

Nhân dịp này, tôi cũng gửi lời thân ái hỏi thăm những anh em văn nghệ yêu nước ở miền Nam đang cùng đồng bào dũng cảm hy sinh, đấu tranh chống Mỹ - Diệm.

Trong thư của Trung ương Đảng gửi Đại hội và những lời phát biểu của các đại biểu đã nói khá đủ những điều cần phải nói. Hôm nay, tôi chỉ kể vài kinh nghiệm cũ và nêu vài ý kiến chung.

Dưới chế độ thực dân Pháp, dù chúng khủng bố tàn nhẫn và nuôi nấng thứ văn chương nịnh tây, nhưng ở nước ta vẫn có văn chương cách mạng.

Văn chương cách mạng như những thơ ca của các cụ Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu và những người yêu nước khác, thì bị gọi là "cấm vật". Nếu không giữ được bí mật, thì người viết cũng như người xem đều bị bắt bớ tù đày. Tuy vậy, vì quần chúng sẵn lòng ghét Tây và yêu nước, cho nên những thơ ca ấy đã được truyền tụng trong dân gian và đã có tác dụng cổ động tinh thần cách mạng.

Nghề múa hát thì chỉ là một thứ tiêu khiển cho bọn "ngồi mát ăn bát vàng". Chúng còn khinh rẻ và gọi những nghệ sĩ múa hát là "xướng ca vô loài".

Hồi đó chỉ có chiếu bóng câm, bọn thực dân Pháp dùng chiếu bóng để bôi nhọ dân tộc ta. Ví dụ: Trong hội chợ ở Mácxây ngoài những tranh vẽ lũ công khanh Việt Nam đang lúc nhúc lạy quỳ trước vua bù nhìn cùng chó ngao, toàn quyền, khâm sứ; ngoài những công nhân trần trụi kéo xe thuê, còn có chiếu bóng: trong phim có những bà già ăn trầu răng đen, những nông dân gầy gò rách rưới, những người đóng khố đang trèo dừa... Chúng gọi đó là "hình ảnh An Nam".

Rõ ràng là dân tộc bị áp bức, thì văn nghệ cũng mất tự do. Văn nghệ muốn tự do thì phải tham gia cách mạng.

Từ ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, nhân dân ta được giải phóng, thì những người văn nghệ cũng có điều kiện thuận lợi để phát triển tài năng của mình, góp phần vào công cuộc kháng chiến và xây dựng Tổ quốc.

17 năm qua, nước ta có những cuộc biến đổi long trời chuyển đất: Cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh chống Mỹ - Diệm ở miền Nam, khắp nơi sôi nổi thi đua yêu nước. Ở Việt Nam chúng ta có những sự tích vô cùng oanh liệt, những chiến sĩ cực kỳ anh hùng. Ở các nước anh em trong đại gia đình xã hội chủ nghĩa cũng vậy.

Quần chúng đang chờ đợi những tác phẩm văn nghệ xứng đáng với thời đại vẻ vang của chúng ta, những tác phẩm ca tụng chân thật những người mới, việc mới chẳng những để làm gương mẫu cho chúng ta ngày nay, mà còn để giáo dục con cháu ta đời sau.

Trong thời kỳ quá độ, bên những thành tích tốt đẹp là chính, vẫn còn sót lại những cái xấu xa của xã hội cũ như: tham ô, lãng phí, lười biếng, quan liêu, đánh con, đập vợ, v.v.. Đối với những thói xấu đó, văn nghệ cũng cần phải phê bình rất nghiêm khắc, nhằm làm cho xã hội ta ngày càng lành mạnh tốt đẹp hơn.

Nói tóm lại: phải có khen cũng phải có chê. Nhưng khen hay là chê đều phải đúng mức. Khen quá lời thì người được khen cũng hổ ngươi. Mà chê quá đáng thì người bị chê cũng khó tiếp thụ.

Quần chúng mong muốn những tác phẩm có nội dung chân thật và phong phú, có hình thức trong sáng và vui tươi. Khi chưa xem thì muốn xem, xem rồi thì có bổ ích. Quần chúng còn mong các đồng chí văn nghệ chú ý giùm hai điều nữa: một là chớ mượn chữ Hán quá nhiều, thậm chí có khi "chữ Tạc vạc ra chữ Tộ". Hai là khi viết phải cẩn thận hơn, tránh viết những câu kỳ khôi như "no cơm áo", "cười thênh thênh", v.v..

Để làm trọn nhiệm vụ cao quý của mình, văn nghệ sĩ cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, giữ gìn thái độ khiêm tốn; phải thật sự hòa mình với quần chúng, cố gắng học tập chính trị, trau dồi nghề nghiệp; phải hết lòng giúp đỡ thanh niên, làm cho văn nghệ nước nhà ngày càng thêm trẻ thêm xuân.

Tôi xin kết thúc câu chuyện bằng lời thân ái chúc các đồng chí đoàn kết chặt chẽ, phấn khởi và tiến bộ nhiều!

Chúc mọi người đồng lòng chung sức xây dựng văn nghệ của ta ngày càng phong phú về tư tưởng và nghệ thuật, góp phần xứng đáng với cả dân tộc đang anh dũng xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

Bài nói chuyện tại đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ III


Nói ngày 1-12-1962, báo Nhân dân, số 3173, ngày 2-12-1962.


Hồ Chí Minh toàn tập

 


Nguồn: www.knparagon.com
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan