A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh

Chuyên đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phục vụ sinh hoạt chi bộ tháng 6/2014

 

Nguồn Internet

Chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh là luôn gắn chặt yêu nước với thương dân, phấn đấu vì hạnh phúc của nhân dân và luôn luôn tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân.

Chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh là di sản tư tưởng, là tài sản tinh thần to lớn của Ðảng và dân tộc ta.   

Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, do phải thường xuyên đương đầu với thiên nhiên, giặc giã, như một lẽ tự nhiên, lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, gắn bó cộng đồng luôn là một giá trị thiêng liêng, một tình cảm sâu nặng của dân tộc Việt Nam được truyền giữ và phát huy từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chính sức mạnh đó đã hun đúc quyết tâm cứu nước, cứu đồng bào, thôi thúc Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước, đến với Chủ nghĩa Mác - Lênin. Trong bài viết "Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin", Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Lúc đầu chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba".

Nói về Chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh, một nhà nghiên cứu đã khẳng định: Hồ Chí Minh không phải là người Việt Nam đầu tiên yêu nước, nhưng công lao chính của Người là đã nâng Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam lên tầm cao mới khi những vấn đề mới của thời đại tác động vào dân tộc Việt Nam và những vấn đề mà dân tộc Việt Nam đòi hỏi.

Tìm hiểu về chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh, một cách khái quát, chúng ta có thể thấy trên một số phương diện:

Yêu nước gắn với lòng khát khao tự do, hòa bình; bất luận trong mọi hoàn cảnh, kiên quyết giữ vững độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Với thế giới quan duy vật và nhân sinh quan của người cộng sản, với tầm nhìn chiến lược, nên ngay từ ngày đầu khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa còn non trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra các nhiệm vụ cấp bách trong xây dựng đất nước như: Phát động phong trào tăng gia sản xuất chống nạn đói, tổ chức tổng tuyển cử, xây dựng chính quyền nhân dân, củng cố mặt trận thống nhất, thực hiện giảm tô, giảm tức, bãi bỏ thuế thân, thuế chợ, thuế đò, xây dựng văn hóa mới... Tất cả các chính sách ấy đã thể hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng một nước Việt Nam dân chủ cộng hòa nhằm tăng cường đoàn kết toàn dân, phát triển lực lượng cách mạng trong nhân dân để đối phó với thù trong giặc ngoài.

Trước tình hình khó khăn của đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm mọi cách để tránh chiến tranh, tránh đối đầu với nhiều kẻ thù cùng một lúc, thực hiện thêm bạn bớt thù, với sách lược mềm dẻo nhưng vẫn giữ vững nguyên tắc độc lập, tự do.

Chủ trương "hòa để tiến" theo tư tưởng của Người được thể hiện ở Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946 đã ký giữa Việt Nam và Pháp. Với phương pháp tư tưởng "dĩ nhu xử cương, dĩ bất biến ứng vạn biến", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa nước ta thoát khỏi tình thế hiểm nghèo "ngàn cân treo sợi tóc" và kéo dài được thời gian hòa bình, ổn định để xây dựng đất nước, chuẩn bị kháng chiến.

Khi thực dân Pháp bội ước và tiến hành xâm lược nước ta một lần nữa, trước tình hình đó, ngày 19/12/1946, thay mặt Trung ương Ðảng và Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến": "...Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ... Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc".

Khi đế quốc Mỹ ào ạt đưa quân viễn chinh vào miền Nam và tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ra miền Bắc, trong "Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước", ngày 17/7/1966, Người khẳng định: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do".

Thực hiện Lời kêu gọi của Người, ở miền Bắc, nhiều phong trào thi đua yêu nước đã dấy lên ở khắp nơi với tinh thần "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng". Ở miền Nam, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, quân giải phóng và đồng bào miền Nam đã liên tiếp giành thắng lợi trên các chiến trường, đỉnh cao là cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân 1975, thống nhất đất nước.

Chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh là luôn gắn chặt yêu nước với thương dân, phấn đấu vì hạnh phúc của nhân dân và luôn luôn tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân.

Sinh thời, dẫu bận trăm công ngàn việc, với cương vị Chủ tịch Ðảng, Chủ tịch nước, song, Người vẫn luôn dành thì giờ động viên, thăm hỏi, tìm hiểu về đời sống, tâm tư, chia sẻ tình cảm với mọi tầng lớp nhân dân. Người đã hy sinh cả cuộc đời mình với một tâm nguyện “đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.

Người luôn luôn tin vào sức mạnh của nhân dân. Ngợi ca truyền thống yêu nước của nhân dân Việt Nam. Người khẳng định: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Ðó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi sục, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước".

Chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh gắn liền với đoàn kết quốc tế

Chủ nghĩa yêu nước chân chính của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gắn liền và thông qua những giá trị công lý được cả thế giới thừa nhận. Sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do, giải phóng dân tộc phải dựa trên cơ sở của lẽ phải, lương tri và công lý. Công lý là cơ sở để vận động các lực lượng quốc tế ủng hộ nền độc lập của Việt Nam để nhân dân tiến bộ trên thế giới ủng hộ cuộc cách mạng chính nghĩa của nhân dân Việt Nam

Trong Thư gửi Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ (10/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhân dân Việt Nam chỉ đòi hỏi nền độc lập hoàn toàn và vì sự tôn trọng sự thực và công lý”. Trong Ðiện gửi nhân dân Pháp nhân ngày 19/12/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích với nhân dân Pháp về tính chính nghĩa của kháng chiến bảo vệ nền độc lập: “Dân tộc chúng tôi đã chiến đấu "không chút sờn lòng, không điều ân hận" vì chúng tôi chiến đấu cho tự do, cho độc lập và đối với nhân dân Pháp chúng tôi không thù hằn gì. Chúng tôi đã tỏ rằng chân lý, công lý, lịch sử và tương lai ở về phe chúng tôi”.

Với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, Ðảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên một chân lý của thời đại: Trong thời đại ngày nay, khi các lực lượng cách mạng thế giới đang ở thế tiến công, một dân tộc đất không rộng, người không đông, song đoàn kết chặt chẽ và đấu tranh kiên quyết dưới sự lãnh đạo của một Ðảng Mác-Lênin có phương pháp cách mạng đúng đắn, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, lại được sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, các lực lượng cách mạng và nhân dân tiến bộ trên thế giới, thì hoàn toàn có thể đánh bại mọi thế lực đế quốc xâm lược, dù đó là tên đế quốc đầu sỏ.

Trong bối cảnh đất nước hòa bình, chủ nghĩa yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh được thể hiện bằng sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và xây dựng dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Người nhận định, nhân dân lao động là những người yêu nước chân chính, những người biểu hiện lợi ích dân tộc thật sự. Vì vậy, nhiệm vụ của chúng ta là phải chuyển chủ nghĩa yêu nước từ thời chiến sang chủ nghĩa yêu nước thời bình.

 

Chủ nghĩa yêu nước phát sinh hằng ngày, hằng giờ trong mỗi con người chân chính, trong phong trào thi đua của những người lao động tiên tiến, trong cuộc đấu tranh cho sự công bằng và tiến bộ xã hội, cho sự tổ chức công việc một cách khoa học. Nó biểu hiện sự không khoan nhượng đối với những khuyết điểm, thiếu sót.

Xu thế toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế hiện nay, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, chúng ta cũng phải đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức: nguy cơ tụt hậu về kinh tế; sự phân hóa giàu nghèo, sự bất bình đẳng; tệ nạn xã hội, bạo lực, khủng bố, ô nhiễm môi trường; nguy cơ chiến tranh tôn giáo, sắc tộc, chiến tranh cục bộ, khu vực đe dọa nền hoà bình thế giới.

Trong bối cảnh đó, học tập, vận dụng chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh, chúng ta càng phải tăng cường bồi dưỡng tinh thần yêu nước, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về nội dung chủ nghĩa yêu nước Việt Nam; cảnh giác và chủ động đấu tranh với âm mưu "diễn biến hoà bình" của các thế lực thù địch, nguy cơ “tự diễn biến” trong nội bộ; không ngừng xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, quyết tâm xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.                                  

          TÀI LIỆU THAM KHẢO

-        TS. Nguyễn Quốc Phẩm, Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; PGS, TS Lê Văn Tích, Phát huy chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh trong hội nhập và phát triển bền vững (Báo Ðiện tử Ðảng Cộng sản Việt Nam).

-        Ths Nguyễn Xuân Tùng, Nhớ về Ngày sinh của Bác: Chủ nghĩa yêu nước chân chính phải gắn với khát vọng công lý và lòng nhân ái giữa con người (Cổng thông tin điện tử Bộ Tư Pháp).

 


Tác giả: Theo Baothaibinh.com.vn
Nguồn: www.knparagon.com
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết