A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Cấp Chứng thư xuất khẩu qua Internet: Xóa bỏ cơ chế “xin - cho”

Mới đây, Bộ Công Thương đã tổ chức Lễ công bố cấp Chứng thư xuất khẩu (C/E) qua internet cho hàng dệt may xuất khẩu (XK) đi Mexico; tiếp tục tiến thêm một bước trong việc cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN). Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, dệt may là một trong những mặt hàng XK lớn nhất nước ta, ông có thể chia sẻ đôi nét về những lợi ích mà DN dệt may nhận được khi áp dụng hệ thống điện tử này?

cap chung thu xuat khau qua internet xoa bo co che xin cho

 

                                                        Cấp C/E qua internet mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp dệt may

Việc cấp C/E qua internet thực chất là sự tích hợp của hai thủ tục hành chính thông qua hệ thống điện tử gồm cấp hạn ngạch thuế quan và cấp C/E cho hàng dệt may XK sang Mexico. Như vậy, cái lợi đầu tiên của DN là Bộ Công Thương xóa bỏ hoàn toàn cơ chế "xin - cho" đối với hạn ngạch thuế quan. Việc cấp C/E được thực hiện hoàn toàn tự động, công khai, minh bạch. DN dù lớn hay nhỏ đều có thể biết được lượng hạn ngạch còn nhiều hay ít để đăng ký xin cấp.

Thứ hai, DN nộp hồ sơ hoàn toàn qua internet, không phải gửi hồ sơ giấy đến cơ quan cấp C/E, không phải làm các thủ tục hành chính khác như công chứng, sao y bản chính... Việc cấp C/E được quy định trong thời gian rất ngắn và DN không phải trực tiếp đến nhận kết quả trừ khi muốn nhận trực tiếp, qua đó giúp giảm chi phí hành chính và thời gian đi lại, chờ đợi cho DN.

Thứ ba, việc cấp C/E qua Internet có kết nối với Mexico nhằm kiểm soát không để bên thứ ba lợi dụng hưởng ưu đãi của nước này dành cho Việt Nam theo cam kết trong CPTPP và cam kết song phương giữa hai nước.

Vậy, DN cần lưu ý những gì để tận dụng hiệu quả việc cấp chứng thư XK cho hàng dệt may sang Mexico qua internet, thưa ông?

Việc cấp C/E hiện nay được thực hiện hoàn toàn qua internet, thông qua Hệ thống điện tử (HTĐT) của Bộ Công Thương tại địa chỉ: http://www.ecosys.gov.vn. Thương nhân chỉ cần nộp hồ sơ theo quy định tại Điều 8, Thông tư số 07/2019/TT-BCT qua HTĐT và được trả kết quả trực tiếp hoặc qua bưu điện theo đăng ký trên HTĐT.

Hạn ngạch thuế quan được công bố công khai trên trang web nên thương nhân cần thường xuyên cập nhật lượng hạn ngạch còn lại để đăng ký cấp C/E. C/E cũng được cấp tự động cho các lô hàng đã XK theo nguyên tắc trừ lùi lượng hạn ngạch thuế quan trên HTĐT. Thương nhân nộp hồ sơ trước được cấp trước, nộp hồ sơ sau được cấp sau, đến khi hết lượng hạn ngạch thuế quan được cấp. Thời gian tiếp nhận hồ sơ tự động cập nhật trên HTĐT.

cap chung thu xuat khau qua internet xoa bo co che xin cho
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương)

Ngoài ra, thương nhân đã đăng ký cấp hạn ngạch thuế quan chờ duyệt cấp hoặc chờ bổ sung hồ sơ được giữ lượng hạn ngạch thuế quan đăng ký khi hạn ngạch thuế quan chung còn đủ để cấp.

Khi hồ sơ chờ duyệt cấp bị từ chối hoặc hồ sơ chờ bổ sung không được bổ sung trong 2 ngày làm việc, kể từ khi cơ quan duyệt cấp thông báo qua HTĐT và email, HTĐT sẽ tự động hủy lượng hạn ngạch thuế quan đang giữ cho thương nhân và nhập vào lượng hạn ngạch thuế quan chung.

Cùng với việc cấp C/E cho hàng dệt may XK sang Mexico, thời gian tới, Cục Xuất nhập khẩu tiếp tục triển khai những giải pháp gì nhằm tiếp tục cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho DN xuất nhập khẩu tận dụng tối đa các ưu đãi từ các FTA đã ký kết?

Bộ Công Thương tiếp tục coi cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, cần triển khai quyết liệt để hỗ trợ DN. Bên cạnh việc cắt giảm các điều kiện, đơn giản hóa thủ tục kinh doanh, Bộ Công Thương rất quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ công.

Đến nay, Bộ Công Thương đã đưa hầu hết các dịch vụ công lên internet ở các mức độ khác nhau, chủ yếu là mức độ 3 và 4. Đã có 11 thủ tục của Bộ Công Thương kết nối vào Cơ chế một cửa quốc gia, một thủ tục kết nối vào Cơ chế một cửa ASEAN. Trong các thủ tục này, thủ tục cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) có khối lượng xử lý hồ sơ rất lớn, là thủ tục hỗ trợ trực tiếp cho các DN thụ hưởng ưu đãi từ các FTA.

Bộ Công Thương đã thực hiện trao đổi dữ liệu C/O với các nước ASEAN, đang xem xét tiến hành đàm phán với Liên minh Kinh tế Á - Âu và sắp tới sẽ đàm phán với Hàn Quốc về các vấn đề này. Khi được triển khai, đây sẽ là những công cụ hữu hiệu giúp cơ quan quản lý nhà nước nắm vững tình hình cấp C/O, ngăn ngừa gian lận về xuất xứ hàng hóa, đồng thời rút ngắn thời gian, cắt giảm chi phí trong khâu xin C/O của DN.

Xin cảm ơn ông!


Tác giả: Phương Lan
Nguồn: congthuong.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết