A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Kiến Xương: Thực trạng phát triển nghề truyền thống

Kiến Xương là huyện có nhiều làng nghề truyền thống phát triển, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống người dân. Song những năm gần đây, do nhiều yếu tố tác động, nhiều làng nghề truyền thống đã suy giảm, thay vào đó là nhiều nghề mới phát triển.

Nghề mây tre đan ở Thượng Hiền (Kiến Xương) ngày càng phát triển.

Theo đánh giá của Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Kiến Xương: Trong tổng số 37 làng nghề của huyện được cấp bằng công nhận thì đến nay có 22 làng nghề còn đủ tiêu chí theo quy định. Các làng nghề còn lại đã suy giảm do không đủ tiêu chí và không còn nghề chính. Điển hình như làng nghề dệt đũi trước đây không chỉ mang lại cuộc sống ấm no, giúp cho hàng nghìn hộ dân xã Nam Cao, xã Quyết Tiến làm giàu mà còn là thương hiệu nổi tiếng của huyện Kiến Xương về phát triển nghề. Thế nhưng do sản phẩm thủ công không còn đủ sức cạnh tranh trên thị trường, hơn nữa người tiêu dùng cũng không còn ưa chuộng sản phẩm của làng nghề nên nghề này gần như không còn tồn tại. Tương tự như nghề đan gai vó, dệt đũi ở xã Đình Phùng đến nay cũng không còn hộ nào làm nghề, chỉ còn khoảng 40 hộ làm nghề đan gai vó nhưng thu nhập hàng tháng lại rất thấp, trung bình chỉ khoảng trên dưới 1 triệu đồng/hộ. Vì thế, nhiều người dân không còn mặn mà với nghề truyền thống mà chuyển đi làm những ngành nghề mới có thu nhập cao hơn. Vì vậy, mặc dù một số nghề đã suy giảm song thu nhập, đời sống người dân lại ngày càng nâng cao do các lao động đã chuyển dần từ nghề truyền thống thu nhập thấp vào làm việc tại các khu, cụm công nghiệp làm có mức lương cao và ổn định.

Bên cạnh những làng nghề suy giảm thì Kiến Xương vẫn duy trì và phát triển mạnh nghề chạm bạc ở Hồng Thái, Lê Lợi, nghề mộc, giấy ở Vũ Ninh hay nghề mây tre đan xã Thượng Hiền, nghề móc sợi ở Bình Định, nghề mộc ở Quang Trung... Những làng nghề này có sự phát triển ổn định bởi sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng, người làm nghề luôn đổi mới mẫu mã sản phẩm nên được người tiêu dùng lựa chọn. Đơn cử như nghề chạm bạc ở xã Lê Lợi mặc dù đã có từ hàng trăm năm qua song đến nay vẫn có trên 800 hộ làm nghề với gần 1.700 lao động đem lại giá trị sản xuất từ nghề đạt gần 100 tỷ đồng/năm. Hay như ở xã Hồng Thái, trong tổng số trên 2.100 lao động của làng nghề thì có tới gần 2.000 lao động làm nghề chạm bạc, giá trị sản xuất từ nghề đạt trên 100 tỷ đồng/năm, chiếm trên 85% tổng giá trị sản xuất của làng nghề. Có được kết quả này là do các hộ trong làng nghề luôn nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng, đổi mới mẫu mã, sản xuất ra những sản phẩm thị trường cần.

Ngoài ra, thời gian qua một số nghề mới cũng được du nhập và phát triển ở Kiến Xương như nghề làm hương đốt xuất khẩu ở xã Bình Thanh, thị trấn Thanh Nê, xã An Bồi, xã Bình Định tạo việc làm cho khoảng trên 400 lao động với thu nhập từ 3 - 4,5 triệu đồng/người/tháng. Hay nghề làm đồ chơi cho trẻ em ở thị trấn Thanh Nê, xã Quang Lịch, xã Vũ Thắng cũng tạo việc làm cho gần 300 lao động trong lúc nông nhàn. Cùng với đó, nghề may công nghiệp cũng phát triển mạnh ở hầu hết các xã, thị trấn theo hình thức thành lập các cơ sở may nhỏ từ 30 - 50 lao động hoặc các công ty lớn mở các chi nhánh về các vùng nông thôn. Chỉ tính riêng nghề may công nghiệp ở ngoài các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện đã tạo việc làm cho khoảng 7.000 lao động.

Để phát triển nghề và làng nghề, những năm qua Kiến Xương đã có một số cơ chế hỗ trợ như: đào tạo lao động đối với những nghề mới hay những cơ sở mở rộng sản xuất; tổ chức các lớp tập huấn liên quan đến quản trị kinh doanh, phát triển thương hiệu... cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trong làng nghề; phát động các doanh nghiệp thi đua sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ gian hàng trưng bày sản phẩm của làng nghề tại các lễ hội của huyện. Cùng với đó, liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, đầu ra sản phẩm, tổ chức các đoàn tham quan về với làng nghề để quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Tuy nhiên, để nghề và làng nghề phát triển bền vững thì vấn đề khó khăn nhất hiện nay ở Kiến Xương là nguồn kinh phí còn hạn hẹp. Trong khi phần lớn các làng nghề còn bế tắc trong xuất khẩu sản phẩm thì việc hỗ trợ kinh phí cho công tác xúc tiến thương mại ở các làng nghề lại chưa có. Mặc dù huyện đã có định hướng phát triển du lịch làng nghề nhưng mới chỉ dừng ở hình thức tuyên truyền mà chưa có sự đầu tư về quy hoạch, hạ tầng, đầu tư khu trưng bày giới thiệu sản phẩm, phát triển các dịch vụ đi kèm... Do đó, rất cần có sự hỗ trợ của cấp trên để Kiến Xương đầu tư phát triển mạnh những nghề truyền thống, mang nét đặc trưng riêng của huyện.


Tác giả: Thu Thủy
Nguồn: https://baothaibinh.com.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan