Phòng chống dịch Covid-19 ở Việt Nam: Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nỗ lực bảo hộ công dân

26/03/2020

Công tác hỗ trợ, bảo hộ công dân Việt Nam tại nước ngoài luôn được Bộ Ngoại giao chú trọng và đặt ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đang lan nhanh tại gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tích cực, chủ động 

Tại cuộc điện đàm với Thủ tướng Czech Andrej Babis chiều 23/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tình hình dịch Covid-19 là thách thức chung của toàn cầu và tất cả các quốc gia hiện nay. Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Czech và tất cả đối tác để phòng, chống dịch bệnh này; không một quốc gia nào có thể hành động đơn lẻ để vượt qua được cuộc khủng hoảng y tế có quy mô toàn cầu này. Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Czech về mọi mặt để hai nước cùng vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay; sẽ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng tạo thuận lợi để Czech đưa các công dân muốn về nước trong thời gian tới.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến cấp Bộ trưởng ASEAN-EU về hợp tác ứng phó dịch Covid-19 chiều 20/3, trong vai trò Chủ tịch ASEAN, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định: “Là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN khác thúc đẩy cách tiếp cận đồng bộ, tổng thể của cả Cộng đồng ASEAN để nâng cao khả năng sẵn sàng và các biện pháp chủ động ứng phó với dịch bệnh và giảm thiểu các tác động. Những nỗ lực chung mà chúng ta đang triển khai ứng phó đại dịch này thể hiện một ASEAN thực sự Gắn kết và Chủ động thích ứng”.

Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, ASEAN đã thể hiện quyết tâm chính trị ở mức cao nhất nhằm đẩy mạnh phối hợp hành động và ứng phó chung để ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh, đã đưa ra Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN ở Cấp cao, các Tuyên bố cấp Bộ trưởng chuyên ngành như quốc phòng, kinh tế, du lịch… đề ra các biện pháp phối hợp hành động ứng phó dịch bệnh Covid-19. ASEAN sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hành động cụ thể, thiết thực, tăng cường trao đổi và phối hợp ở các cấp cũng như với các Đối tác.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị EU hỗ trợ kỹ thuật, hợp tác nghiên cứu khoa học trong kiểm soát và điều trị các ca nhiễm; quan tâm đảm bảo quyền lợi và đối xử bình đẳng với công dân các nước ASEAN tại EU; phối hợp giảm thiểu các tác động kinh tế-xã hội của dịch bệnh.

ùng ngày 20/3, Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn đã điện đàm với Thứ trưởng Ngoại giao các nước Mỹ, Australia, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Ấn Độ về tình hình dịch bệnh Covid-19. Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn và Thứ trưởng Ngoại giao các nước nhất trí rằng hợp tác khu vực và quốc tế đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn sự lây lan và kiểm soát đại dịch trong thời gian tới.

Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng cũng đã điện đàm với ông Nigel Adams, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh để trao đổi về hợp tác phòng chống sự lây lan của dịch Covid-19. Thứ trưởng Tô Anh Dũng nhấn mạnh Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp chặt chẽ các cơ quan liên quan của Việt Nam và các Cơ quan đại diện Anh tại Việt Nam để hỗ trợ về thủ tục cũng như thu xếp máy bay cho các công dân Anh có mong muốn về nước...

“Tấm đệm” bảo hộ công dân  

Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến vô cùng phức tạp với số ca nhiễm gia tăng hàng giờ, công tác hỗ trợ và bảo hộ công dân Việt Nam luôn được Bộ Ngoại giao chú trọng và đặt ưu tiên hàng đầu. Các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài nỗ lực thể hiện rõ vai trò là “tấm đệm” vững chắc giúp công dân Việt Nam an tâm tìm đến khi gặp phải khó khăn, vướng mắc. 

Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, các biện pháp hỗ trợ và bảo hộ công dân Việt Nam bao gồm “duy trì đường dây nóng bảo hộ công dân, thường xuyên cập nhật thông tin và giữ liên hệ với sinh viên và cộng đồng người Việt Nam ở sở tại”. Ngoài ra, các Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài “chủ động trao đổi với các cơ quan chức năng sở tại đề nghị tạo điều kiện cư trú và chăm sóc y tế cho công dân Việt Nam trong trường hợp cần thiết, phối hợp hỗ trợ công dân trong quá trình về nước”.

Ngay khi nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ thực hiện các lệnh phong tỏa trên diện rộng, hạn chế tối đa di chuyển, khuyến cáo người dân hạn chế đi lại, nhiều Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền nước sở tại để cập nhật thông tin về tình hình người Việt và đưa ra khuyến cáo đối với công dân Việt Nam về tình hình dịch bệnh. 

Trong tuần qua, các Cơ quan đại diện Việt Nam tại nhiều nước như Pháp, Phần Lan, Italy, Thái Lan, Indonesia, Myanmar, Lào, Ấn Độ, Canada… thường xuyên ra khuyến cáo công dân Việt Nam về việc đi lại, đặc biệt hạn chế tối đa đi lại giữa các nước và về Việt Nam trong thời điểm hiện nay, tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch của sở tại; thường xuyên kiểm tra, cập nhật các quy định của sở tại và các hãng hàng không, đảm bảo có đủ giấy tờ cần thiết theo yêu cầu để thực hiện chuyến đi (đặc biệt là các giấy tờ xác nhận tình trạng sức khỏe nếu có). Trong trường hợp công dân có nhu cầu về nước cấp bách, có thể đăng ký nguyện vọng thông qua các Cơ quan đại diện để tổng hợp, phối hợp với cơ quan chức năng sở tại và Việt Nam để lên phương án phù hợp hỗ trợ công dân. 

Thông tin về các công dân Việt Nam bị “kẹt” tại các sân bay quốc tế do nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ tiến hành hạn chế hoặc đóng cửa các đường bay quốc tế, không cho quá cảnh (transit)… cũng được các Cơ quan đại diện Việt Nam cập nhật liên tục, khẩn trương lên các phương án hỗ trợ phù hợp, đảm bảo kịp thời đưa người dân về nước an toàn. 

Chia sẻ về khoảng thời gian trước khi lệnh đóng cửa sân bay của Chính phủ Ấn Độ có hiệu lực, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu cho biết, tổng đài bảo hộ công dân của Đại sứ quán “nóng ran” vì liên tục nhận được nhiều cuộc gọi của bà con từ khắp các nơi trên Ấn Độ.  Những nỗi lo của bà con có thể kể như visa sắp hết hạn, chuyến bay hủy không biết đường về, ở lại cũng không xong vì khách sạn từ chối nhận khách nước ngoài...

Thấu hiểu tâm tư đó của bà con, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã từ sớm “âm thầm” vận động cho một chuyến bay đưa bà con về nước trở thành hiện thực. Sau rất nhiều nỗ lực, cuối cùng, chuyến bay của hãng hàng không Vietjet mang tên VJ972 chở 220 người Việt Nam đã cất cánh lúc 0h ngày 22/3 vừa vặn trước giờ G cấm xuất nhập cảnh các chuyến bay quốc tế tại Ấn Độ. 

Tương tự, các Cơ quan đại diện ta ở nước ngoài đã chủ động tiến hành nhiều biện pháp nhằm giải cứu công dân Việt Nam đang bị “kẹt” ở các sân bay Dallas (Hoa Kỳ), Changi (Singapore),  Suvarnabhumi (Thái Lan)... do bạn đóng cửa hàng không hay hoãn và hủy chuyến bay.... Không biết bao nhiêu điện thoại, tin nhắn, công văn, báo cáo... của các Cơ quan đại diện để có được những chuyến bay thông suốt, đảm bảo cho công dân Việt Nam an toàn trở về quê hương...  

Không thể không nhắc đến những cán bộ ngoại giao đã không quản ngày đêm, vượt lên nỗi lo về an toàn bản thân cũng như gia đình để sát cánh cùng công dân Việt Nam, vừa động viên, vừa hướng dẫn, thu xếp các thủ tục cho đến khi lên máy bay... 

Điển hình như Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan. Khu tập thể, nơi sinh sống và làm việc của gần 100 cán bộ, nhân viên và thành viên gia đình nằm trong khu cách ly ở thủ đô Bangkok. Tuy nhiên, trước sự cầu cứu của công dân Việt Nam đang bị “kẹt” tại sân bay Suvarnabhumi do đường bay đột ngột bị hủy, các cán bộ Đại sứ quán đã phải khoác áo bảo hộ, rời khỏi khu cách ly đến sân bay, hỗ trợ công dân Việt Nam trong chuyến bay cuối cùng từ Bangkok về đến Hà Nội, chỉ vài giờ trước khi hãng hàng không quốc gia Thái Lan tạm ngừng chặng bay sang Việt Nam và cả Thái Lan bắt đầu tình trạng khẩn cấp... 

Nói như Đại sứ Phạm Sanh Châu, “Nếu cần, chúng tôi nguyện là những người lính cuối cùng chỉ rời khỏi đất nước này khi tất cả bà con bình an và khi được cấp trên cho phép. Chúng tôi, những nhà ngoại giao cũng như các thuỷ thủ quyết ở trên con tàu này bình tĩnh và tự tin để lái nó vượt qua vùng tâm bão!”.

Trong thông báo mới nhất của Bộ Ngoại giao về việc công dân Việt Nam bị “kẹt” ở sân bay quốc tế trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thường xuyên theo dõi, chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, cảng hàng không quốc tế, hãng hàng không quốc tế tại các nước để cung cấp thông tin cụ thể về chính sách nhập cảnh của Việt Nam, khẳng định công dân Việt Nam được phép về nước mà không cần Giấy xác nhận của Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước sở tại; tìm hiểu thông tin về tình hình công dân Việt Nam bị “kẹt” tại các sân bay, kịp thời thực hiện các biện pháp hỗ trợ cần thiết.

Trường hợp cần trợ giúp, đề nghị công dân liên hệ theo số đường dây nóng bảo hộ công dân được đăng tải trên website chính thức của các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hoặc số điện thoại của Tổng đài Bảo hộ công dân Cục Lãnh sự là: +84 981 84 84 84.

VIẾT CHUNG

 

Tác giả: https://baoquocte.vn/

Chia sẻ bài viêt:
Thống kê truy cập:195166
Số người trực tuyến: 275