Nỗi niềm người Việt tại Nga trong mùa dịch Covid-19

26/03/2020

Dù tình hình kiểm soát dịch Covid-19 ở Nga tương đối tốt, nhưng "cơn bão" này cũng làm cho cuộc sống đảo lộn và khiến cho người Việt thêm nhiều âu lo.

Tổ hợp đa chức năng Hà Nội-Moscow (Incentra) có đông người Việt Nam sinh sống. Mối lo của các tiểu thương ở đây là hàng thực phẩm nhập khẩu từ Việt Nam sang ngày càng khan hiếm khi người dân Nga và cả người Việt có dấu hiệu tích trữ đồ đề phòng khả năng thành phố thắt chặt các biện pháp cách ly.

Chị Hoàng Thị Ngọc Hoa, bán hàng tại Incentra cho biết, tuy khu trung tâm thương mại này là của người Việt Nam, nhưng mấy ngày gần đây người Nga cũng thường xuyên vào đây mua đồ của Việt Nam rất nhiều, kể cả gạo, càphê, và tất cả các hoa quả. Chị tiết lộ trong mấy ngày hôm nay gạo, mỳ tôm và tất cả các đồ nhu yếu phẩm như nước mắm, lạc của người Việt Nam bán rất chạy, nhu cầu tăng gấp đôi gấp ba và cũng không còn nhiều,

Chị Hoa cũng cho biết, dù hàng thực phẩm Việt Nam đang bán rất chạy song các chủ quầy hàng hầu như vẫn chưa tăng giá. Tuy nhiên, việc hàng hóa tăng giá là điều đương nhiên do giá USD đã tăng vọt, đồng Rubble mất giá. Các cửa hàng đều nhập hàng bằng đồng Rubble nên các các chủ cung cấp hàng Việt Nam lớn sẽ thua lỗ khi phải giao hàng bằng đồng Rubble còn nhập khẩu bằng USD.

Một chủ quầy hàng khác, chị Nguyễn Thanh Hương, sang Liên Xô (nay là Liên bang Nga) từ năm 1982 chia sẻ, các con chị vốn đã lập gia đình với người Nga, gọi điện dặn chị phải mua trữ thực phẩm đề phòng trường hợp cửa hàng đóng cửa. Chị vẫn chuộng đồ ăn Việt nên cũng tự tích trữ cho mình một lượng gạo, nước mắm, thực phẩm của người Việt. Theo chị Hương, mặt hàng mỳ ăn liền Việt Nam hầu như đã cháy hàng do người Việt mua rất nhiều.

Trung tâm thương mại Sadovod mà người Việt còn hay gọi “Chợ Chim” là một trong những khu chợ có đông người Việt làm ăn buôn bán nhất ở Moscow. Nỗi lo của các thương nhân người Việt tại đây là khách mua ngày càng thưa thớt do tình hình kinh tế trì trệ, người Nga hạn chế tới những nơi đông người.

Ngoài ra, người Việt ở đây cũng luôn canh cánh nỗi lo chợ đóng cửa. Nếu như vậy họ sẽ phải nghỉ bán hàng trong khi vẫn đối mặt với hàng loạt chi phí đắt đỏ. Anh Trần Tiên Thi, quê ở Nam Định, kinh doanh tại chợ cho biết, tình hình kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề do khách ở các thành phố xa ít lên, lượng hàng bán ra giảm mạnh. Để khắc phục tình hình này, bà con chỉ còn cách nỗ lực đi sớm và về muộn hơn.

Trong khi đó, hiện có khoảng 6.500 lưu học sinh Việt Nam đang sinh sống và học tập tại hơn 150 trường đại học ở 40 thành phố của Nga, hiện tại, nhiệm vụ của họ là đảm bảo sức khỏe, đồng thời nỗ lực bám sát chương trình học để có thể đạt kết quả thi tốt vào cuối kỳ.

Tại khuôn viên Đại học Kỹ thuật tổng hợp Moscow mang tên Bauman, hầu như không có tiếng nói cười của sinh viên do tất cả các trường đại học ở Moscow đã chuyển sang học trực tuyến. Ở ký túc xá gần đó, không khí học tập của nhóm sinh viên người Việt ở đây vẫn sôi nổi. Tuy nhiên, theo yêu cầu của Trưởng đoàn lưu học sinh trường Bauman, các sinh viên ở đây cũng tiến hành một cuộc họp ngắn để quán triệt các biện pháp phòng chống dịch.

Sinh viên Nguyễn Xuân Trung, năm thứ 4 khoa Chế tạo máy, cho rằng, hai vấn đề còn được lưu tâm là tâm lý chủ quan trước đại dịch Covid-19 và việc nâng cao ý thức tự giác học, đảm bảo học tập hiệu quả. Theo Trung, việc học online phải được tiến hành một cách thực sự nghiêm túc, phải phổ biến tới các sinh viên ở các ký túc xá khác nhau, chia ra các đầu mối rồi từ các đầu mối phổ biến tới tất cả sinh viên để việc học tập đạt hiệu quả.

Đại dịch Covid-19 quả thực mang đến rất nhiều âu lo cho người Việt tại Liên bang Nga. Tuy nhiên, có lẽ bất kỳ người Việt Nam nào ở Xứ sở Bạch Dương cũng hiểu rõ "nhiệm vụ" đầu tiên là phải bình tĩnh, làm tốt công việc của mình, cùng chung tay với cộng đồng để bảo vệ sức khỏe, ngăn chặn sự lây lan của chủng virus nguy hiểm.

 

Tác giả: https://baoquocte.vn/

Chia sẻ bài viêt:
Thống kê truy cập:198074
Số người trực tuyến: 207