A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Vai trò giáo dục đạo đức lối gia đình trong cuộc sống của mỗi con người.

Gia đình vốn là khái niệm đa chiều được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau như: Gia đình là tế bào xã hội; gia đình là tổ ấm, là vành nôi dịu dàng nâng đỡ cuộc sống của mỗi con người. Còn theo cách nhìn của bộ môn khoa học xã hội chuyên sâu về lĩnh vực gia đình thì: “Gia đình là một tổ ấm đời sống cộng đồng của con người, một thiết chế văn hóa xã hội đặc thù, được hình thành, tồn tại và phát triển trên cơ sở quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng và giáo dục giữa các thành viên. Gia đình có vai trò quan trọng trong sự cấu thành xã hội, trong sự hình thành nhân cách sống của mỗi cá nhân”.



Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Gia đình Việt Nam hình thành và phát triển gắn liền cùng với các thể chế xã hội (nguyên thủy, phong kiến tập quyền, xã hội chủ nghĩa), những giá trị đạo đức trong gia đình đều mang bản sắc văn hóa xã hội ở từng thời đại. Thực tế cuộc sống cho thấy, nếp sống văn hóa trong mỗi gia đình ảnh hưởng sâu sắc đến sự hình thành nhân cách, lối sống và những định hướng nghề nghiệp tương lai của mỗi con người. Vì thế giáo dục đạo đức gia đình trong suốt chiều dài lịch sử luôn là một câu chuyện nhiều ý nghĩa.

 

Sách “Cổ học tinh hoa” của Trung Quốc có truyện “Mẹ hiền dạy con” ngợi ca mẹ Mạnh Tử trong cung với cách nuôi dạy con cái thật đáng nể trọng. Trẻ con vốn có tính hiếu động, suy nghĩ đơn giản lại hay bắt chước. Khi nhà ở gần chợ, thấy con cũng bắt chước người gian thương buôn bán đảo điên, người mẹ thấy vậy lo sợ vội chuyển nhà đi chỗ khác. Khi nhà ở gần nghĩa địa, thấy người ta đào, chôn, lăn khóc hằng ngày, con nhỏ cũng bắt chước người ta đào, chôn, lăn khóc, người mẹ lại nghĩ: “Đây không phải là chỗ con ta ở được”, vội chuyển nhà đến gần trường học. Khi ở gần trường học, thấy học trò đến trường chăm chỉ đọc sách, tích cực học hành, lễ phép ngoan hiền, con cũng chăm chỉ đọc sách và học lễ nghĩa, người mẹ thấy vậy nói: “Đây mới là chỗ con ta ở được”, từ đó mới yên tâm sinh sống, dệt vải nuôi con.  Chính việc hiểu con, quan tâm dạy dỗ, chọn một môi trường hợp lý cho con vui chơi, học tập của người mẹ đã là những nấc thang để nâng bước chân một đứa trẻ thông minh hiếu động như Mạnh Tử trở thành một bậc hiền nhân sống có đạo, hiểu biết rộng, một Mạnh Tử - bậc thầy thiên hạ.

 

Ở Việt Nam, việc giáo dục đạo đức lối sống gia đình cũng góp phần không nhỏ trong việc hình thành nhân cách sống và tạo dựng sự nghiệp của mỗi con người. Câu chuyện về Nguyễn Trãi - danh nhân văn hóa thể kỷ XV được trưởng thành từ sự giáo dục của ông ngoại là quan Tư đồ Trần Nguyên Đán, học vấn uyên thâm, giỏi thơ ca, lịch pháp, thiên văn, vận số… sau này trở thành “linh hồn” của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, là quân sư của chủ tướng Lê Lợi trong cuộc kháng chiến chống quân Minh “nếm mật nằm gai” suốt 15 năm dành thắng lợi, mở ra nền hòa bình thịnh trị cho đất nước - bắt đầu bằng việc thực hiện nghiêm túc lời dạy bảo căn dặn của người cha Nguyễn Phi Khanh trong cuộc chia tay sinh ly tử biệt ở cửa Ải Nam Quan: “Con là người học rộng tài cao, hãy tìm cách rửa nhục cho nước, trả thù cho cha, như thế mới là đại trung đại hiếu”.

 

Nguyễn Du - Đại thi hào của dân tộc, kiệt tác “Truyền Kiều” do ông viết đã trở thành kỳ tích của văn học Việt Nam, trải qua gần 300 năm chưa ai sánh kịp, tài năng ấy cũng đơm bông kết trái và chịu nhiều ảnh hưởng từ nền giáo dục và phong cách sống của các thành viên trong gia đình: Cha ông - Nguyễn Nghiễm là người rất giỏi văn chương, lịch sử, những lúc thanh nhàn thường đọc thơ, kể chuyện cho con nghe. Mẹ ông sinh ra ở vùng quan họ Bắc Ninh thường hát ru con bằng những câu hát ngọt ngào như gió thoảng. Anh trai Nguyễn Khản đã bao bọc nuôi dưỡng Nguyễn Du khi cha mẹ mất. Chính tình cảm, hoàn cảnh sống của gia đình từ lúc “danh gia vọng tộc” cho đến khi khó khăn cùng cực “vong gia bại sản” đã hun đúc nên một trái tim Nguyễn Du nhân hậu, bao dung, thấu hiểu tình đời tình người… Các danh nhân khác như Lê Quý Đôn, Nguyễn Khuyến …lập chí thành danh, trở thành hiền tài của đất nước đều có điểm xuất phát từ nền giáo dục và nếp sống gia đình. 

 

Thế kỷ XX, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới một phần không nhỏ là bởi tình yêu thương, sự hy sinh hết mình của người mẹ tảo tần - Bà Hoàng Thị Loan và sự dạy dỗ định hướng của người cha - cụ Phó bảng Nguyễn Sinh sắc.

 

Ngày nay, thế hệ trẻ cũng chịu ảnh hưởng rất nhiều từ lối sống đạo đức trong gia đình, hình ảnh những người ông, người bà, người cha, người mẹ, người anh, người chị… sống mẫu mực, sống yêu thương, chuyên tâm dạy dỗ, giáo dục và định hướng đúng đắn cho con cái đã góp phần không nhỏ trong việc hình thành nhân cách sống và sự nghiệp tương lai cho lớp trẻ. Đó cũng chính là cách xây dựng gia đình hạnh phúc, góp xây dựng xã hội văn minh giàu đẹp.

 

                                                           

 


Nguồn: sovhttdl.www.knparagon.com
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thăm dò ý kiến
Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 238
Hôm qua : 2.561
Tháng 05 : 18.135
Năm 2020 : 189.363