A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Du xuân trên mảnh đất Thái Bình

Mùa xuân - mùa của lễ hội, của sự đơm hoa kết trái, của những gì được coi là tinh túy nhất của đất trời. Đến với mảnh đất Thái Bình - nơi có những con người cần cù, chịu khó, sáng tạo trong lao động với các sinh hoạt tín ngưỡng dân gian, tín ngưỡng tôn giáo được phản ánh rõ nét nhất thông qua các lễ hội - du khách thập phương không thể không tham gia hành trình về với các di tích lịch sử.

 Theo số liệu thống kê, Thái Bình hiện có hơn 1.400 công trình kiến trúc cổ với đủ các loại lớn nhỏ khác nhau như đình, đền, chùa, miếu, phủ...Và có những di sản đáng tự hào như Chùa Keo - được coi là 1 trong 3 ngôi chùa đặc biệt trong số 10 kiến trúc cổ tiêu biểu của Việt Nam và là ngôi chùa có quy mô kiến trúc cổ gỗ lớn nhất toàn quốc. Lễ hội mùa xuân Chùa Keo mồng 4 Tết nguyên đán hàng năm, không chỉ người dân là con em Thái Bình mà còn rất nhiều du khách gần xa trên mọi miền tổ quốc đều về dự, tham quan và thành tâm kính lễ, tạo nên không khí vui tươi trong những ngày đầu năm mới. Việc được công nhận là di sản quốc gia đặc biệt năm 2012 đã phần nào khẳng định sự khác biệt có một không hai của ngôi chùa này. Đó là lý do mà ngày càng có đông du khách về trẩy hội và tham quan chùa Keo.

Cùng tiếp trên con đường hội xuân về với Thái Bình là tới lễ hội Đền Trần (Tiến Đức - Hưng Hà), được coi là “Nơi linh dị của giang sơn Đại Việt”, cũng chính là nơi phát tích dựng nghiệp của vương triều Trần. Đến với lễ hội đền Trần, du khách sẽ được trở lại không khí thiêng liêng của các nghi lễ phong tục độc đáo đậm nét văn hóa thời Trần như tục rước nước, thi cỗ cá... Đặc biệt, từ khi được nhận bằng xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt và di sản văn hóa phi vật thể quốc gia  đã nói lên vị thế và vai trò lịch sử của nhà Trần ở Thái Bình, càng làm cho đền Trần có ấn tượng trong lòng du khách.

Tới Thái Bình, không thể không ghé thăm lễ hội đền Đồng bằng, xã An Lễ, Quỳnh Phụ thờ Đức vua cha Bát Hải Động Đình. Đến đây du khách sẽ bị cuốn hút trước công trình kiến trúc uy nghi, lộng lẫy bên dòng sông cổ đầy ắp huyền thoại, như lạc vào thế giới của hoa lá chim muông, thiên nhiên hùng vĩ mà trầm mặc, ảo ảnh nhưng rất hiện thực dung dị, rất đỗi đời thường từ hàng trăm câu đối, đại tự, cuốn thư, các họa tiết cá hoa long, rồng cuốn thủy, sóc nho...

Sau khi về với Cha thì chắc hẳn du khách sẽ muốn ghé thăm đền Tiên La thờ Bát Nạn tướng quân là một nữ tướng của Hai Bà Trưng. Tại đây lưu giữ rất nhiều đồ tế khí quý giá cũng như sự lộng lẫy về kiến trúc, đồng thời diễn ra rất nhiều hoạt động và các trò vui dân gian thu hút hàng vạn lượt người đến chiêm ngưỡng, tham quan.

Du xuân tại Thái Bình du khách sẽ được lựa chọn nhiều nơi, nhiều điểm đến hấp dẫn khác như đến Đồng Xâm – Kiến Xương xem lễ hội, thưởng ngoạn làng nghề chạm bạc, đến làng vườn Bách Thuận – Vũ Thư thưởng hoa, ngắm cây cảnh, đến A Sào - Quỳnh Phụ hay tham gia lễ hội thả diều Sáo Đền ở Vũ Thư, cùng nhâm nhi tách trà nóng trong không khí đầu xuân với đặc sản Bánh cáy làng Nguyễn, ăn bát canh cá Quỳnh côi hay nếm vị thơm giòn, dầy cùi của Ổi Bo...Và còn được thưởng thức nhiều loại hình nghệ thuật rất đặc sắc của miền quê lúa, nổi bật là hát chèo, múa rối nước... Từ xưa đã có câu ca: “Chẳng thèm ăn chả, ăn nem - Thèm mo cơm tẻ, thèm xem hát chèo”... Tất cả đã tạo nên điểm nhấn và dấu ấn riêng trên vùng đất quê lúa “chị Hai năm tấn”.

                                                              


Nguồn: sovhttdl.www.knparagon.com
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thăm dò ý kiến
Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 107
Hôm qua : 2.561
Tháng 05 : 18.004
Năm 2020 : 189.232