A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Ký ức Điện Biên

Dù đã ở tuổi 88, nhưng ông Trần Trọng Đông xã Vũ Tiến, nguyên chiến sỹ Sư đoàn 308 anh hùng năm xưa còn rất minh mẫn, khỏe mạnh. Từng chi tiết của trận đánh lịch sử lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” tháng 5/1954 nơi lòng chảo Điện Biên Phủ mà ông trực tiếp tham gia chưa lúc nào nhạt phai.

Ông Trần Trọng Đông - Cựu chiến sỹ Điện biên (Người ngồi bên trái)

Sinh ra tại vùng quê có truyền thống cách mạng, năm 1952, khi vừa tròn 20 tuổi, chàng trai trẻ Trần Trọng Đông nghe theo tiếng gọi của đất nước, tham gia vào các chiến dịch phía Tây Bắc như: chiến dịch Hòa Bình, chiến dịch Sầm Nưa ở Thượng Lào, tham gia bảo vệ Đèo Khế, Hang Dơi tại Thái Nguyên...Sau đó, năm 1954 ông Đông được bổ sung vào tiểu đoàn 387 phòng không thuộc sư đoàn 308, có nhiệm vụ khống chế đường không của địch trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông Đông kể: “Khi đó, các đại đội thường được gọi bằng tên của các đồng chí đại đội trưởng như “Xóm Tảo, Xóm Quỳ, Xóm Đà...” để không bị lộ thông tin. Làm nhiệm vụ được một nửa chiến dịch, đơn vị tôi bị địch tập kích. Do vũ khí lúc đó chủ yếu là súng 12,7 ly, chứ không có súng bộ binh. Nên khi bị tập kích, bộ đội ta không đủ khả năng đánh trả lại. Chỉ sau vài tiếng chúng tôi đi lấy gạo trở về, đã thấy các đồng đội mình hy sinh ngay tại đơn vị. Đồng chí đại đội trưởng cũng hy sinh trong trận tập kích này. Sau đó, không còn lực lượng bổ sung cho tiểu đoàn 387, chúng tôi được chuyển về tiểu đoàn 9, trung đoàn 102, sư đoàn 308”.

Ngày 01/5/1954, Đợt tấn công cuối cùng nhằm kết thúc số phận của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được tiến hành. Nhiệm vụ quan trọng nhất là tiêu diệt nốt A1 và C2, thừa cơ tiến hành tổng công kích. Lúc này, đơn vị bộ binh của ông Trần Trọng Đông được phân công đánh đồn Nà Nọong - một trong những đồn phụ cận bảo vệ đồi A1. Ông Đông nhớ lại: “Trưa ngày 6/5, anh nuôi của đơn vị nấu cơm, nắm cho mỗi người  một nắm cơm và bắt đầu hành quân từ lúc 2 giờ chiều, ra đến cửa rừng lúc đó đã là 5 giờ chiều. Lúc này, tiểu đoàn hạ lệnh dừng chân ăn cơm và hạ quyết tâm trong buổi tối ngày 6/5 phải đánh thắng đồn Nà Nọong. Vào lúc 20 giờ 30 phút ngày 06/5/1954, khối bộc phá 960kg nổ trên Đồi A1 báo hiệu ngày tàn của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đến 22 giờ, tiểu đoàn 9, trung đoàn 102 mới giải phóng xong đồn Nà Nọong vì tại đây binh lính Pháp nhiều hơn quân Bảo Hòa. Trong trận đánh này, tiểu đoàn của tôi bị hy sinh 11 đồng chí, 20 đồng chí bị thương – chủ yếu do mìn dây của địch gây ra. Thu dọn và chôn cất các đồng đội hy sinh xong, trở về đơn vị cũng là 4giờ  sáng ngày  07/5. Lúc ấy, các đồng chí trong đơn vị nhận được lệnh sẽ tiếp tục giải phóng thị trấn Mường Thanh vào đêm ngày 08/6. Dù thiệt hại về lực lượng khá nhiều, nhưng bộ đội ta vẫn hạ quyết tâm chiến đấu đến cùng. Đến 17h30 ngày 7/5/1954, lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries, đơn vị tôi nhận được tin báo ta đã dành chiến thắng trong chiến dịch này”.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, buộc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn Hội nghị cùng ký Hiệp định Geneva chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược (1945-1954) ở Đông Dương, miền Bắc Việt Nam được hoàn toàn giải phóng. Hiệp định Geneva đã tạo được cục diện mới, tạo tiền đề và cơ sở pháp lý rất quan trọng để dân tộc Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975).

Sau khi giải phóng Điện Biên, sư đoàn 308 của ông Trần Trọng Đông được lệnh vệ tiếp quản thủ đô, hành quân về Phú Thọ và vinh dự được gặp Bác Hồ vào ngày19/9/1954 tại Đền Hùng. Nhớ lại giây phút hạnh phúc khi được gặp Bác Hồ, ông Đông không dấu nổi niềm xúc đông: “Lúc ấy chúng tôi vui mừng khôn xiết,  đồng chí Vương Thừa Vũ- sư đoàn trưởng thông báo tin mừng sẽ được gặp Bác Hồ. Tại đây, Bác căn dặn cán bộ, chiến sĩ vào tiếp quản Thủ đô phải giữ nghiêm kỷ luật, giữ gìn trật tự an ninh, bảo vệ tính mạng tài sản của nhân dân, chống mọi hành động phá hoại của kẻ thù. Phải bảo vệ công thương nghiệp, kể cả công thương nghiệp của ngoại kiều. Bộ đội phải giúp đỡ nhân dân, tuyên truyền giải thích cho nhân dân, không được làm điều gì phiền nhiễu nhân dân, sao cho từ cụ già đến em bé đều quý mến, tin tưởng. Giữ gìn phẩm chất bộ đội cách mạng. Không sa ngã, bắt chước lối sống không tốt. Cán bộ phải gương mẫu, gần gũi chiến sĩ, đoàn kết thương yêu nhau. Bác nói về tình hình nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Bác nhắc nhở quân đội không vì hòa bình mà lơi lỏng tay súng. Còn đế quốc ở miền Nam ta còn phải xây dựng miền Bắc, giải phóng miền Nam. Nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc còn rất nặng nề. Bác nói: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.”

Trở về đời thường, người lính Điện Biên năm xưa vẫn giữ vững và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, nỗ lực khắc phục khó khăn, nuôi dạy con cháu trưởng thành. Ông Đông vẫn thường nhắc nhở, động viên con cháu tiếp tục phát huy tinh thần, hào khí Điện Biên, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh, xứng đáng với những hy sinh xương máu của ông cha vì độc lập, tự do của dân tộc.


Tác giả: Bài và ảnh Thanh Vân
Nguồn: vuthu.www.knparagon.com
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Thăm dò ý kiến
Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.062
Hôm qua : 3.225
Tháng 05 : 23.345
Năm 2020 : 328.045