A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Chủ trương, giải pháp thực hiện Đề án sản xuất vụ Xuân, Hè năm 2020

Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện Vũ Thư, UBND huyện triển khai Đề án sản xuất vụ Xuân, Hè 2020 với chủ trương và một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

1. Chủ trương

- Gieo cấy hết diện tích đất lúa trong khung thời vụ cho phép; bố trí hợp lý giữa nhóm lúa chất lượng và lúa năng suất cao, ưu tiên nhóm giống lúa chất lượng cao có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, mở rộng diện tích gieo mạ khay, cấy bằng máy, hạn chế tối đa việc gieo thẳng.

- Tổ chức sản xuất lúa theo các giải pháp giảm khí thải nhà kính, áp dụng quy trình thâm canh cải tiến SRI, hiệu ứng hàng biên để giảm chi phí đầu vào tăng năng suất, chất lượng cho sản phẩm lúa của Thái Bình.

- Phát huy và nâng cao vai trò hoạt động của HTXDVNN trong các khâu dịch vụ đầu vào và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; tập trung xây dựng, phát triển vùng sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao; khuyến khích phát triển các hoạt động hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm.

- Thực hiện tốt việc chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng các loại cây trồng có hiệu quả cao hơn, nâng cao giá trị canh tác trên một đơn vị diện tích trồng trọt.

- Đẩy mạnh chủ trương tập trung, tích tụ đất đai phục vụ phát triển sản xuất trồng trọt quy mô lớn, có sức cạnh tranh cao; khuyến khích, nhân rộng các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, thị trường tiêu thụ tốt.

- Cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện thắng lợi đề án sản xuất nông nghiệp vụ Xuân, vụ hè năm 2020, lập thành tích chào mừng đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 đồng thời góp phần khắc phục những thiệt hại do bệnh dịch tả lợn Châu Phi gây ra trên địa bàn quản lý.

2. Mục tiêu

2.1. Lúa Xuân

- Tổng diện tích gieo cấy khoảng 7.700 - 7.800 ha; năng suất bình quân 70 tạ/ha; giá trị /1 ha canh tác lúa Xuân tăng khoảng 1,2 lần so với vụ Xuân năm 2019.

- Cơ cấu giống lúa:

+ Nhóm các giống lúa năng suất khá, chất lượng gạo ngon khoảng 60% tổng diện tích, gồm các giống lúa Bắc thơm số 7, Nếp 97, Thiên ưu 8, Nam hương 4, Đông A1, TBR279, QR1. Trong đó giống lúa Bắc thơm số 7 là chủ lực.

+ Nhóm các giống lúa năng suất cao chất lượng gạo khá khoảng 40% tổng diện tích, gồm các giống lúa TBR225, CNR36, Thái Xuyên 111, TBJ3. Trong đó giống lúa TBR225 là chủ lực.

- Thời gian kết thúc gieo cấy xong trước ngày 25/02/2020.

2.2. Rau màu vụ Xuân

Tổng diện tích 3.200 ha. Trong đó ngô Xuân 800ha; lạc 450 ha; khoai tây Xuân 50 ha; dưa ăn quả, bí xanh, bí ngô 450 ha; đậu đỗ 350 ha; rau và cây khác 1.100 ha.

2.3. Cây màu vụ Hè

Tổng diện tích 1.850 ha. Trong đó: Dưa ăn quả 400 ha; ngô 350 ha; đậu đỗ 400 ha; rau và cây khác 700 ha.

2.4. Thực hiện chuyển đổi một phần diện tích (đủ điều kiện theo Nghị định số 62/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 của Chính phủ) từ đất trồng lúa sang trồng các loại cây trồng khác (chuyên màu, cây dược liệu, cây ăn quả …) sẽ có đề án (kế hoạch) cụ thể riêng.

3. Một số giải pháp chủ yếu

3.1. Giải pháp về tuyên truyền

- Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người sản xuất trong việc chấp hành lịch thời vụ, tạo sự quyết tâm cao trong cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở để triển khai, thực hiện Đề án sản xuất vụ Xuân, vụ Hè năm 2020; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang phát triển cây trồng khác với mục tiêu nâng cao hiệu quả trên diện tích canh tác.

- Tuyên truyền, mở rộng hình thức gieo mạ khay, cấy máy, giải phóng sức lao động; vận động tổ chức, cá nhân tập trung, tích tụ ruộng đất, sản xuất cây trồng an toàn theo chuỗi, thu gom vỏ bao thuốc BVTV để thực hiện Đề án đạt hiệu quả.

3.2. Các giải pháp về quản lý, chỉ đạo:

- Chủ động kế hoạch ứng phó điều kiện thời tiết bất thuận trong sản xuất ngay từ đầu vụ, huy động sự tham gia chỉ đạo của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở trong chỉ đạo sản xuất; tăng cường cán bộ kỹ thuật về cơ sở chỉ đạo và hướng dẫn về cơ cấu giống, lịch thời vụ, quy trình canh tác, chăm sóc, bảo vệ cây trồng.

 - Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý đất đai và các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương; dựa trên nhu cầu thị trường, khai thác lợi thế về thổ nhưỡng, cây trồng đặc sản gắn với sản xuất hàng hóa, tập trung, hiệu quả và bền vững, đồng thời phải dựa trên cơ sở khoa học, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng; sản xuất theo chuỗi giá trị; đi sâu vào chế biến nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh trên thị trường.

- Kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc kinh doanh vật tư nông nghiệp; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân buôn bán giống, phân bón, thuốc BVTV chất lượng kém.

3.3. Giải pháp về kỹ thuật

3.3.1.Về giống và thời vụ

* Lúa xuân

- Trà 1: Là trà Xuân sớm sau khi thu hoạch để trồng cây màu Hè và diện tích bố trí để gieo mạ dược vụ Mùa 2020.

Thời gian gieo mạ nền từ ngày 13 - 15 tháng 01 năm 2020, sử dụng các giống lúa có thời gian sinh trưởng dưới 120 ngày như: QR1, TBR279, Lúa Nhật để gieo, cấy khi mạ có từ 3,5 lá thật trở lên và nhiệt độ ban ngày trên 15oC, cấy xong trước ngày Lập Xuân 04/02/2020.

- Trà 2 (đại trà): gieo mạ nền từ ngày 30/01 - 04/02/2020 cấy khi mạ có từ 3 lá thật trở lên, kết thúc trước ngày 25/02/2020.

* Cây màu vụ Xuân

- Cây ngô: sử dụng các giống ngô lai cho năng suất cao như NK4300, VS36, giống ngô chuyển gen NK4300 Bt/GT; giống ngô nếp HN88, AG500; ngô ngọt. Thời vụ trồng từ 15/01 đến 04/2/2020.

 - Cây Lạc: Dùng các giống lạc cho năng suất cao, tính chống chịu sâu bệnh tốt L14, L27, áp dụng phương pháp gieo trồng lạc che phủ nilon để chống rét đầu vụ, hạn chế cỏ dại, nước tưới. Thời vụ trồng từ 25/01 – 15/02/2020.

- Khoai tây Xuân: Khuyến khích các địa phương mở rộng diện tích trồng khoai tây Xuân làm giống cho vụ đông trên diện tích đất màu, đất bãi, đặc biệt là những địa phương có kho lạnh. Dùng các giống khoai tây có nguồn gốc nhập nội từ Đức, giống nguyên chủng có nguồn gốc từ nuôi cấy mô ở trong nước. Thời vụ trồng từ 15/12/2019 đến 10/01/2020.

- Cây khoai lang: Dùng các giống có năng suất, chất lượng phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Thời vụ trồng từ 15/01 đến 04/02/2020.

- Các loại rau, dưa, bí, đậu: Tận dụng triệt để mọi nguồn quỹ đất để gieo trồng. Quy hoạch vùng sản xuất đảm bảo số lượng, chất lượng sản phẩm. Các HTXNN chủ động tìm đối tác, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các đơn vị có uy tín. Chủ động phòng chống bệnh hại trên nhóm dưa bí, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bệnh gây ra.

* Cây màu vụ Hè: Thời vụ gieo trồng các loại cây rau màu Hè tập trung từ trung tuần tháng 4 đến hết tháng 5 năm 2020. Đối với diện tích màu hè sau thu hoạch lúa Xuân áp dụng kỹ thuật làm bầu và rẽ lúa đặt bầu để tận dụng tối đa thời gian. Gieo trồng các loại đậu đỗ, vừng, ngô nếp, rau hè trồng trên đất màu, vườn, bãi phải khẩn trương làm đất gieo trồng ngay sau khi thu hoạch rau màu vụ Xuân.

3.3.2. Về phân bón

Tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, phân bón hữu cơ vi sinh để từng bước giảm lượng phân bón vô cơ, nâng cao độ phì cho đất; chỉ sử dụng các loại phân bón được công nhận lưu hành, đảm bảo hiệu quả, an toàn cho người, an toàn thực phẩm theo nguyên tắc: Đúng chân đất, đúng loại giống, đúng liều lượng, đúng thời điểm, đúng cách bón; bón phân cân đối đạm, lân, ka li theo nhu cầu sinh trưởng của cây trồng.

3.3.3. Về công tác bảo vệ thực vật

Vệ sinh đồng ruộng sau thu hoạch, cày lật đất sớm, phơi ải để diệt mầm mống sâu bệnh và cải tạo đất hạn chế sự phát sinh sâu bệnh ở vụ Xuân 2020.

Áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng (IPM); khuyến cáo nông dân áp dụng triệt để các biện pháp sinh học; chỉ sử dụng thuốc BVTV khi tới ngưỡng phòng trừ theo chỉ đạo của cơ quan chuyên môn. Hướng dẫn nông dân sử dụng đúng thuốc, đúng thời điểm, đúng nồng độ, liều lượng và đúng kỹ thuật để đảm bảo hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng; hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc cỏ trên đồng ruộng.

Thực hiện tốt công tác phòng, chống chuột bảo vệ sản xuất; tổ chức lực lượng, đồng loạt ra quân diệt chuột, đặc biệt giai đoạn đổ ải. Sử dụng các biện pháp thủ công kết hợp với dùng thuốc sinh học diệt chuột; hạn chế tối đa việc dùng các loại thuốc hóa học độc hại cho người, vật nuôi và môi trường.

3.3.4. Công tác thủy nông

Đối với sản xuất lúa, giữ nước để chủ động tưới là chính, hạn chế tiêu; tăng cường công tác thủy lợi nội đồng, điều tiết nước đảm bảo không để khô hạn, đặc biệt ở giai đoạn mới cấy.

Đối với cây trồng cạn, giữ đủ ẩm, đảm bảo tiêu thoát nước tốt khi gặp mưa.

3.3.5. Làm đất

Đối với những diện tích không trồng cây vụ đông năm 2019, các xã, thị trấn, Hợp tác xã nông nghiệp chỉ đạo cày lật đất phơi ải sớm để diệt trừ cỏ dại, nguồn sâu bệnh. Đối với diện tích trồng cây vụ đông thì thu hoạch cây vụ đông đến đâu khẩn trương làm đất ngay đến đó. Các Hợp tác xã nông nghiệp điều hành tốt khâu đổ nước làm đất theo vùng, ưu tiên diện tích gieo mạ mùa, trồng cây vụ Hè sau thu hoạch lúa Xuân làm trước.

3.4. Giải pháp thị trường, tiêu thụ

Tăng cường, nâng cao liên kết chuỗi trong sản xuất, tiêu thụ nông sản;

Tiếp tục đẩy mạnh tích tụ ruộng đất để phát huy ưu thế về diện tích lớn trong sản xuất nông sản và đảm bảo lượng nông sản lớn tham gia cạnh tranh trên thị trường./.


Tác giả: Nguồn Phòng NN - PTNT huyện
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Thái Bình
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thăm dò ý kiến
Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 523
Hôm qua : 3.180
Tháng 05 : 31.860
Năm 2020 : 336.560